Thêm kết quả...

Khoa học

Ớt vũ trụ của NASA lập hai kỷ lục mới

Thí nghiệm trồng và thu hoạch ớt trong vũ trụ của NASA lập kỷ lục cung cấp thức ăn cho nhiều phi hành gia nhất và thí nghiệm dài nhất trên trạm ISS.

7 Tháng Mười Hai, 2021 / by / in ,
Da nhân tạo từ nấm giống hệt da thật

Các nhà khoa học phát triển một sản phẩm thay thế da thật từ sợi nấm có hình dáng và cho cảm giác không khác gì da thật.

Được tạo bởi công ty vật liệu sinh học MycoWorks ở San Francisco, loại da giả mới được làm từ mycelium, sợi hình ống có trong nấm. Vật liệu mới thân thiện với môi trường hơn và ít gây hại cho động vật hơn da thật.

MycoWorks hợp tác với nhiều thợ thủ công để tạo ra loại da giả giống hệt da thật. Vật liệu sử dụng mycelium cũng có khả năng phân hủy sinh học, góp phần hạn chế những tác động xấu tới môi trường của thời trang giá rẻ, theo tiến sĩ Matt Scullin, giám đốc điều hành MycoWorks.

Mycelium là cấu trúc rễ có thể tái tạo của nấm. Vật liệu thay thế da thật có thể sản xuất từ nấm bằng cách tận dụng phụ phẩm giá rẻ từ nông nghiệp và lâm nghiệp như mùn cưa. Đây là nguồn thức ăn tốt để mycelium phát triển. Những sợi nấm dài này có thể mọc thành lớp và thu hoạch được chỉ trong vòng hai tuần.

Công nghệ tạo da giả được cấp bằng sáng chế của MycoWorks có tên Fine Mycelium. Loại da nhân tạo này có hình dáng và cảm giác giống hệt da thật nhưng độ bền chắc thì vượt xa. Công nghệ do MycoWorks phát triển biến đổi mycelium để đạt độ bền chắc chưa từng có. Thành phẩm cuối cùng mang tên Reishi sẽ được xử lý và nhuộm bởi công ty đối tác Curtidos Badia ở Tây Ban Nha.

Thông thường, da thường được lấy từ các loài động vật như trâu bò, cừu, dê, ngựa, trâu, lợn, hải cẩu, cá voi và cá sấu. Nhiều nhà hoạt động vì động vật đang phản đối sử dụng da thật do vấn đề đạo đức cũng như lo ngại về chặt phá rừng và khí nhà kính liên quan tới chăn nuôi gia súc.

An Khang (Theo Mail)

7 Tháng Mười Hai, 2021 / by / in ,
Hộp đen ghi lại quá trình diệt vong của Trái Đất

Cấu trúc kỳ lạ nằm trên đảo Tasmania xa xôi sẽ chứng kiến và ghi lại kết thúc của thế giới dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Dự án Hộp đen Trái Đất là một công trình bằng thép khổng lồ trang bị nhiều ổ cứng hoạt động nhờ năng lượng Mặt Trời, mỗi ổ sẽ ghi lại và bảo quản những cập nhật và phân tích khoa học theo thời gian thực về các vấn đề nguy cấp nhất mà thế giới đang đối mặt. Tất cả thông tin liên quan tới biến đổi khí hậu, tuyệt chủng, ô nhiễm môi trường và tác động tới sức khỏe sẽ được ghi chép trong cấu trúc liền khối. Nếu xã hội tương lai phát hiện dữ liệu lưu trữ vào một ngày nào đó, họ có thể xâu chuỗi những gì đã xảy ra với hành tinh của chúng ta.

“Trừ khi chúng ta thay đổi cách sống, biến đổi khí hậu và nhiều nguy cơ nhân tạo khác sẽ khiến nền văn minh của chúng ta sụp đổ”, nhóm nghiên cứu phụ trách dự án cho biết. “Hộp đen Trái Đất sẽ ghi lại mỗi bước chúng ta tiến gần hơn tới thảm họa này. Hàng trăm bộ dữ liệu, kết quả đo và tương tác liên quan tới tình trạng của hành tinh sẽ được thu thập liên tục và lưu trữ an toàn cho thế hệ tương lai”.

Hộp đen Trái Đất có thiết kế giống Hầm tận thế nổi tiếng ở Na Uy. Trong khi Hầm hạt giống toàn cầu Svalbard là pháo đài được xây dựng nhằm bảo vệ bộ sưu tập dự phòng mọi hạt giống trên thế giới để đề phòng tận thế, Hộp đen Trái Đất là ghi chép liên tục về lộ trình diệt vong của hành tinh. “Nếu Trái Đất sụp đổ do biến đổi khí hậu, thiết bị ghi chép không thể phá hủy này sẽ tồn tại vĩnh viễn cho bất cứ ai còn sống sót”, giám đốc sáng tạo ở công ty Clemenger BBDO cho biết.

Dự án này là kết quả hợp tác giữa Clemenger BBDO, công ty The Glue Society và các nhà nghiên cứu tại Đại học Tasmania, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2022. Nhưng những hệ thống trong hộp đã hoạt động một phần và thử nghiệm cập nhật về môi trường. Theo nhà sản xuất, mục đích của thiết bị là cung cấp ghi chép chính xác về các sự kiện dẫn tới sự hủy diệt của Trái Đất, thúc đẩy hành động khẩn cấp để đối phó biến đổi khí hậu.

An Khang (Theo Science Alert)

7 Tháng Mười Hai, 2021 / by / in ,
Nhật thực toàn phần duy nhất năm 2021 tại Nam Cực

Nhật thực toàn phần kéo dài gần 2 phút và chỉ quan sát được ở Nam Cực, nơi các nhà khoa học nghiên cứu và chim cánh cụt sinh sống.

Nhật thực bắt đầu lúc 14h và kết thúc lúc 15h06 hôm 4/12 (giờ Hà Nội), trong đó giai đoạn toàn phần diễn ra lúc 14h44, kéo dài trong chưa đầy 2 phút. Trong nhật thực, Mặt Trăng di chuyển giữa Mặt Trời và Trái Đất, đổ bóng lên hành tinh xanh. Với nhật thực toàn phần, Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất xếp thẳng hàng một cách hoàn hảo theo thứ tự.

Những người ở trung tâm của nơi Mặt Trăng đổ bóng lên Trái Đất có thể quan sát hiện tượng thiên văn thú vị này. Họ sẽ thấy bầu trời chuyển tối khi bóng Mặt Trăng quét qua Trái Đất. Những người ở Nam Cực, nơi duy nhất có thể theo dõi nhật thực toàn phần hôm 4/12, cũng sẽ thấy lớp khí quyển ngoài của Mặt Trời hay vành nhật hoa. Vào ngày thường, lớp khí quyển này bị che lấp bởi bề mặt Mặt Trời sáng rực.

Hiện tại, Nam Cực đang trải qua mùa hè (kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2), khi Mặt Trời gần như lúc nào cũng ở trên bầu trời. Điều này đồng nghĩa có thể khoảng 4.400 – 5.500 người gồm các nhân viên và nhà nghiên cứu đang ở trên châu lục này, ít hơn nhiều so với chim cánh cụt. Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh (BAS) ước tính, có khoảng 20 triệu cặp chim cánh cụt đang trong tuổi sinh sản ở Nam Cực.

Dù không thể thấy nhật thực toàn phần, người yêu thiên văn ở một số khu vực khác trên thế giới có thể quan sát nhật thực một phần. Những khu vực này gồm đảo Saint Helena, Namibia, Lesotho, Nam Phi, Nam Georgia và quần đảo Sandwich, quần đảo Crozet, quần đảo Falkland, Chile, New Zealand và Australia.

Nhật thực toàn phần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 20/4/2023, quan sát được ở khu vực phía nam và phía đông châu Á. Trong khi đó, nhật thực một phần tiếp theo diễn ra sớm hơn, vào ngày 30/4/2022, quan sát được ở khu vực đông nam Thái Bình Dương và một số nơi thuộc Nam Mỹ.

Thu Thảo (Theo Live Science)

7 Tháng Mười Hai, 2021 / by / in ,