việc làm
-
Làm việc ở văn phòng, dân công sở phải đối mặt với hàng núi những "căn bệnh" khó chữa và trở thành nạn nhân lúc nào không hay
Bệnh nghiện ăn vặt, ghiền trà sữa
Cứ đến đầu giờ chiều, sau một giấc ngủ trưa tạm bợ khiến tinh thần uể oải cũng là lúc chúng ta dễ thèm đồ ăn. Và thế là, đầu óc cứ quay cuồng trong trái cây, chè, trà sữa...mà quên mất đi những nguyên tắc về tiết kiệm hay giảm cân.
Thậm chí, ngay cả khi bạn đang dằn lòng mình lại thì chỉ cần một lời mời rủ rê từ đồng nghiệp cũng khiến lý trí không thể chiến thắng dạ dày. Do đó, đây là căn bệnh tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất khó chữa đối với giới văn phòng.
Bệnh ''viêm màng túi''
Từ việc nghiện ăn vặt, thèm trà sữa hay các list đồ dùng săn sale dài vô tận trên Shopee chính là nguyên nhân khiến dân công sở bị bệnh ''viêm màng túi'' mạn tính ngay từ khi tiếng ''ting ting'' phát lên.
Còn đối với những người đã có gia đình, nhân viên văn phòng càng đau đầu với hàng trăm khoản cần phải chi từ tiền ăn hàng ngày, tiền xăng xe đến tiền đóng học, bỉm, sữa cho con. Trong khi đó, mặt bằng chung về lương công sở tại Việt Nam thường không cao khiến cho chúng ta cứ mãi quẩn quanh trong vòng tròn cơm- áo- gạo tiền không thể thoát ra ngoài.
Bệnh thiếu tập trung
Chắc có lẽ, sẽ nhiều người từng có hành động đang làm việc, đang viết bài lại phải quay ra ngó điện thoại để check tin nhắn hay mở web để lướt Facebook. Các chị em thì lại thích "lượn" vài shop bán hàng online để tăng phần thi vị cho ngày dài vô tận.
Nếu thói quen này được sử dụng ở giờ nghỉ trưa thì không có vấn đề gì nhưng nếu như cứ lặp đi lặp lại trong giờ làm việc thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc mà bạn đang gánh vác.
Bệnh than vãn
Có ai đó từng nói: "Chỉ cần có đồng nghiệp tốt thì cũng có đủ động lực để đi làm''. Đồng nghiệp không chỉ là người giúp đỡ ta trong công việc mà còn là nơi để ta giãi bày tâm sự, than trách công việc hay nói xấu sếp.javascript:void(0)
Song, có bao giờ bạn từng nghĩ, những lời than vãn đó có thực sự giúp bạn xả stress hay nó chỉ khiến bạn trở nên kém cỏi, yếu đuối và xấu tính trong mắt người khác. Thậm chí, nhiều dân công sở coi việc ''than thân'' là bình thường, lâu dần không nói không thể chịu được và trở thành căn bệnh không thể điều trị.
Bệnh im lặng
Dù rất bất mãn với cách hành xử của đồng nghiệp, dù bị trừ lương vô cớ hoặc không nhận được đúng trợ cấp của công ty....thì rất nhiều người vẫn chọn cách im lặng và ôm ''cục tức'' trong lòng.
Hãy nhớ rằng không ai có thể đọc được suy nghĩ của người khác. Nếu sự nghiệp của bạn đang bị cản trở bởi một vấn đề nào đó, hãy lên tiếng để bảo vệ lợi ích của chính mình cũng như chứng minh cho mọi người thấy: ''Tôi không hề dễ bị bắt nạt''.
Có một câu nói rất hay: ''Trong thời hiện đại, khó khăn trùng trùng nhưng mọi chuyện đều có cách giải quyết, chỉ là bạn chưa tìm ra thôi''. Ứng với những ''căn bệnh'' trên, tất cả đều xuất phát từ thói quen của mỗi người và cách khắc phục nó ra sao cũng phụ thuộc vào chính lăng kính của bạn. Hi vọng, khi đã bắt mạch được tâm bệnh, bạn sẽ tự tìm ra được phương thuốc hữu hiệu và đưa bản thân vào một nguyên tắc bất di bất dịch. Chỉ có vậy, bạn mới có thể đạt được thành công và không bao giờ bị ''bệnh'' đeo bám.
Nguồn: cafebiz.vn
-
"15.000 đồng/bữa ăn là quá thấp, không còn phù hợp, không đảm bảo dinh dưỡng cho công nhân. Cần phải nâng lên 20.000-25.000 đồng", ông Nguyễn Quốc Đang - một chủ tịch công đoàn ở quận 7 (TPHCM) nói.
15.000 đồng/bữa ăn là quá thấp
Theo dự thảo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện giá trị bữa ăn ca bằng hoặc cao hơn mức 15.000 đồng/bữa. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp vẫn duy trì bữa ăn dưới 15.000 đồng/bữa và hàng triệu người lao động chưa được hỗ trợ bữa ăn ca.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cho rằng cần nâng cao mức tiền ăn tối thiểu để phù hợp với thực tế. Các doanh nghiệp cần tập trung hơn nữa để bữa cơm của công nhân đảm bảo no, an toàn và giàu dinh dưỡng hơn.
"Mức giá 15.000 đồng đã triển khai 5 năm rồi, nay giá thực phẩm đã tăng cao hơn rất nhiều. Nếu cứ giữ mức giá này công nhân, người lao động sẽ thiệt thòi. Với mức giá này, công nhân chỉ ăn được vài món, ăn đi ăn lại đến phát ngán nhưng họ đói nên phải ăn để lấy sức làm việc. Tôi đề xuất nâng mức tối thiểu lên 20.000 đồng-25.000 đồng đối với từng khu vực", ông Nguyễn Quốc Đang - Chủ tịch Công đoàn một doanh nghiệp ở quận 7, chia sẻ.
Doanh nghiệp nơi ông Đang đang làm việc có khoảng 1.300 công nhân. Trung bình mỗi bữa ăn của người lao động khoảng 18.000 đồng/bữa trưa và 19.000/bữa tối. Tuy vậy, người lao động vẫn chưa thực sự hài lòng về bữa ăn công ty đang triển khai.
"Giờ người lao động không chỉ ăn no mà còn phải ăn đủ chất, 15.000 đồng hay 17.000 đồng thì làm sao đủ chất. Thiết nghĩ cần phải có quy định để nâng tiền ăn tối thiếu bữa lên để người lao động được chăm sóc tốt hơn. Doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng một phần doanh thu nhưng họ đổi lại là hiệu quả trong công việc của công nhân, người lao động", ông Đang phân tích thêm.
Ông Nguyễn Quốc An - Giám đốc công ty ANS ở quận 12 - nhận định: "15.000 đồng/bữa ăn là quá thấp nhưng có quy định nên các doanh nghiệp cứ bám vào đây để triển khai thì công nhân sẽ thua thiệt. Cần phải tăng lên 20.000 đồng hoặc cao hơn nữa, kèm theo điều kiện trượt giá theo từng năm. Thời buổi này không chăm công nhân kỹ họ sẽ bỏ đi, lúc này doanh nghiệp sẽ phải chịu tổn thất. Chúng tôi chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để tăng tiền ăn cho công nhân".
Không dám mơ bữa ăn đủ chất
Là công nhân may ở TPHCM đã 12 năm, chị Nguyễn Thế Thùy Dương (38 tuổi, quê Vĩnh Long) đã chuyển việc 4 lần. Một lần chuyển việc do xa nhà, 3 lần chuyển việc do bất bình về chất lượng các bữa ăn.
"Tôi là con nhà nghèo, lên TPHCM mưu sinh nên chẳng dám mơ ăn ngon, ăn đủ chất dinh dưỡng. Tôi chỉ muốn ăn uống no, hợp vệ sinh là mãn nguyện rồi. Tuy vậy, không phải công ty nào cũng quan tâm đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm", chị Dương tâm sự.
Chị Dương cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi bữa ăn cho công nhân hơn lúc chị mới lên TP rất nhiều. Tuy vậy, không ít công nhân vẫn phải ấm ức vì bữa ăn chỉ "lèo tèo ít rau và vài miếng thịt mỏng như tờ giấy". Thậm chí, tình trạng đồ ăn có "dị vật" hay ôi thiu vẫn xuất hiện trong bữa ăn của công nhân.
"Phải làm công nhân mới hiểu hết được bữa ăn ở trên công ty quan trọng thế nào. Có thể giảm một chút lương để thêm thức ăn chúng tôi cũng đồng ý. Tuy vậy, nếu công ty không giảm lương mà nâng cao chất lượng bữa ăn, chúng tôi cảm ơn rất nhiều", anh Thanh Tùng, công nhân ở quận Bình Tân chia sẻ.
Theo anh Tùng, nhiều nam công nhân sau bữa cơm ở công ty vẫn phải ra ngoài ăn thêm vì không đủ no. Nhiều người nấu cơm ở nhà mang đi để tiết kiệm, có trường hợp mua bánh mì, bánh ngọt để sẵn.
"Mình phải ăn 4 chén mới no được nhưng cơm ở công ty chỉ được hơn một chén, ăn không đủ no. Nhiều chị em phụ nữ lại dư cơm nên san sẻ cho anh em. Nếu ăn không no thì ra ngoài mua bánh mì, bánh bao hoặc mì tôm ăn rồi tranh thủ vô công ty nghỉ ngơi trước khi làm việc. Công nhân mà được ăn no, ăn sạch là mừng rồi", anh Tùng thông tin thêm.
Nguồn: dantri.com.vn
-
Dự kiến, quý I/2022, TPHCM sẽ cần khoảng 75.000 lao động nếu dịch được kiểm soát và khoảng 60.000 lao động nếu dịch chuyển biến theo hướng tiêu cực.
Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã có dự báo về tình hình lao động quý I/2022 theo 2 hướng tích cực và tiêu cực của dịch Covid-19. Cụ thể, nếu dịch diễn biến tích cực, dự kiến các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng khoảng 60.000 lao động trước và sau thời điểm tết Nguyên Đán.
Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt nhất, dự kiến các doanh nghiệp sẽ cần 75.000 lao động để phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 18% tổng nhu cầu nhân lực, nhu cầu nhân lực 9 ngành kinh tế - dịch vụ chiếm 56% tổng nhu cầu nhân lực.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, từ ngày 1/10, TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã và đang hồi phục sản xuất. Tuy vậy, các doanh nghiệp có quy mô lao động đông vẫn chưa hoạt động hết công suất, chỉ khoảng 50 - 80% để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Tình hình lưu thông giữa TPHCM và các tỉnh đã được nới lỏng, thuận tiện cho các doanh nghiệp đưa, đón lao động quay trở lại làm việc. Nhờ vậy, vấn đề thiếu hụt lao động có xảy ra nhưng không trầm trọng dẫn đến đứt gãy nguồn lao động.
Những tháng cuối năm, TPHCM vẫn cần khoảng 56.000 lao động, tập trung ở các lĩnh vực: Kinh doanh - thương mại (chiếm 23,01%); Dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ (chiếm 11,53%); Công nghệ thông tin (chiếm 7,52%).
Ngoài nhu cầu tuyển dụng toàn thời gian, nhu cầu tuyển dụng lao động bán thời gian, lao động thời vụ phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết cũng có xu hướng tăng. Mặt khác, các hoạt động dịch vụ ăn uống được mở cửa phục vụ nhu cầu tại chỗ, góp phần gia tăng nhu cầu tuyển dụng ở lao động phổ thông, lao động bán thời gian.
Dự kiến nhu cầu nhân lực cần khoảng 15.000 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành như: dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ phục vụ cá nhân và bảo vệ; chế biến thực phẩm; dệt may - giày da; vận tải - kho bãi; kinh doanh - thương mại; kinh doanh bất động sản;...
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện kết nối với Ban quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao để nắm bắt nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp và tuyển dụng đúng thời điểm.
Sở cũng đã chỉ đạo TT Dịch vụ Việc làm thành phố và Thành Đoàn phối hợp với các tỉnh miền Tây tuyển dụng trực tuyến, phỏng vấn trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động. Tư vấn, giới thiệu chỗ ở đối với người lao động tỉnh khi tham gia tìm kiếm việc làm. Đồng thời, lên phương án đưa đón lao động trở lại thành phố an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Nguồn: dantri.com.vn
-
Sử dụng Word tốt như Facebook, biết dùng từ "cảm ơn" và "xin lỗi"... Nhiều người muốn nộp đơn ngay nhưng cũng có người "quay lưng" khi đọc bản tin tuyển dụng "xì tin" của một doanh nghiệp.
Bản tin tuyển kế toán của một doanh nghiệp ở khu vực phía Nam do người quản lý nhân sự đăng tải được chia sẻ liên tục vì những yêu cầu đọc lên hết sức khác lạ.
Bản tin này nêu ra một số yêu cầu như:
Ưu tiên nhân viên nữ vì công ty chúng tôi có nhiều nam.
Về kinh nghiệm: Chỉ cần có kiến thức cơ bản vì vào làm chúng tôi có người truyền đạt những kinh nghiệm cho bạn.
Ngoại ngữ: Không cần thiết vì bạn chỉ làm việc với người Việt chúng ta chỉ cần sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ.
Vi tính: Sử dụng tốt vi tính văn phòng Word, Excel, Internet như Facebook, Zalo... và camera 360, BT612.
Làm việc chăm chỉ vì mục tiêu chung của công ty (không ích kỷ, vụ lợi cá nhân, gây bè kéo cánh, ghen ăn tức ở, nhiều chuyện trong công ty).
Hòa đồng với mọi người. Biết góp ý chân thành cho đồng nghiệp và sếp.
Đặc biệt, bản tin này nhấn mạnh cần tìm người biết sử dụng từ "Cảm ơn" và "Xin lỗi" khi cần thiết.
Trên nhiều diễn đàn, bản tin này cũng kéo theo tranh cãi của những người quan tâm đến lĩnh vực nhân sự
Có người... quay lưng tức thì. Họ đưa ra quan điểm, đọc bản tin là thấy HR (bộ phận nhân sự) kiểu trẻ con mới ra trường. Còn công ty chuyên nghiệp sẽ không có nội dung kiểu nhí nhố như thế này.
"Tôi thích sự chuyên nghiệp của công ty, ngay từ cách thể hiện trong từng bản tin tuyển dụng từ phía công ty. Đọc bản tin này, tôi bỏ qua liền!".
Cũng có người cho rằng, các tiêu chí về cách ứng xử này kia không nên đưa vào thông tin tuyển dụng vì thuộc về cá nhân. Hơn nữa, ban đầu tuyển dụng cũng không có cơ sở để có thể đánh giá.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, có vẻ đông đảo hơn, nhiều ứng viên và cả những người đang đi làm vô cùng thích thú, muốn nộp đơn ngay khi đọc bản tin tuyển dụng này. Có người hài hước chia sẻ, đã chuyển ngành kế toán từ lâu, nay đọc xong là muốn nộp đơn liền.
"Điều này tùy quy định, văn hóa và độ "teen" của người quản lý. Nội dung yêu cầu dễ hiểu, lọc được ứng viên từ đầu theo tiêu chí của nhà tuyển dụng. Content theo phong cách này tạo ra được sự khác biệt, thu hút được ứng viên trẻ!", chị Lê Hồng Đào, làm trong lĩnh vực nhân sự ở quận 1, TPHCM bộc bạch.
Tiêu chí đời thường: Không dễ tìm!
Chị Lê Hồng Đào phân tích, bản tin tuyển dụng trên cũng đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm về trình độ và cả thái độ lực lượng lao động hiện nay.
Bản tin nêu ra những yêu cầu trong ứng xử thông thường như "cảm ơn", "xin lỗi"; hòa đồng, biết góp ý, làm việc vì mục tiêu chung, không nhiều chuyện; biết sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ... Rồi đến những chuyên môn cơ bản như sử dụng tốt vi tính văn phòng Word, Excel, Internet như Facebook, Zalo.
Mọi thứ nghe đơn giản nhưng thực tế không dễ tìm ứng viên có thể đáp ứng nổi. Không ít ứng viên hồ sơ sáng giá như bằng giỏi, chứng chỉ này kia, tiếng Anh như gió nhưng chưa chắc đã đáp ứng nổi các tiêu chí cơ bản đời thường.
"Nhiều ứng viên dùng tiếng Việt kiểu tắt, kiểu teen đọc không nổi, câu cú lủng củng. Có người đầy kỹ xảo, chăm chút cho Facebook, Tik Tok, các phần mềm selfie nhưng kỹ năng chuyên môn trong nghề như Word, Excel lại ẩu và sơ sài", chị Đào kể.
Những lời "cảm ơn" và "xin lỗi" một cách chân thành, thiện chí trong giao tiếp ở theo chị Đào càng kham hiếm trong môi trường công sở.
Anh Hoàng Đạt Thành, phó giám đốc công ty chuyên về phân phối thiết bị điện tử ở Phú Nhuận, TPHCM cho rằng, mỗi công ty, lãnh đạo có những tiêu chí riêng trong tuyển dụng tùy vào văn hóa, giá trị và quan điểm của họ.
Như bản thân anh, tiêu chí anh coi trọng nhất khi tuyển người đúng giờ giấc. Nghe tưởng đơn giản nhưng không hề dễ tìm khi văn hóa trễ giờ ăn sâu trong rất nhiều người, họ cho trễ là chuyện bình thường.
Anh Hoàng Đạt Thành nhấn mạnh lao động Việt ngoài chuyên môn, kỹ năng, đã đến lúc chúng ta cần thật sự chú tâm đến cách ứng xử, giao tiếp, thái độ làm việc một cách nghiêm túc, có văn hóa, cầu thị.
Nguồn: dantri.com.vn
-
Trong ngày đầu tiên đi làm sau Tết, nhiều nhân viên ngân hàng chia sẻ nhận được tiền mừng tuổi đầu xuân hàng triệu đồng.
Trong ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, truyền thống mừng tuổi đầu năm với những lì xì lên đến hàng triệu đồng của các ngân hàng luôn được nhiều người quan tâm nhờ sự "chịu chi" dành cho cán bộ, nhân viên của mình.
Đến đầu giờ chiều ngày 7/2, Tiến Thành (24 tuổi) đang làm việc tại chi nhánh BIDV Sơn La cho biết đã nhận được gần 3 triệu đồng tiền mừng tuổi. Đây là năm thứ 3 Thành làm việc tại ngân hàng này.
"Trong ngày đi làm đầu tiên của năm Nhâm Dần, mỗi nhân viên được ngân hàng mừng tuổi 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi nhánh và cấp trên cũng mừng tuổi thêm cho nhân viên từ vài trăm cho đến hàng triệu đồng. Tùy từng năm, mỗi chi nhánh và các lãnh đạo lại có một mức mừng tuổi khác nhau", Thành nói thêm.
Trong khi đó, Ngọc Dung (25 tuổi), nhân viên một chi nhánh tại TP.HCM của ngân hàng ACB cũng đã khoe nhận được "lộc" đầu năm từ sớm với tổng số tiền lên đến hơn 3 triệu đồng.
Như Quỳnh (23 tuổi), một nhân viên khác của ngân hàng ACB chi nhánh Hố Nai, Biên Hòa cũng sớm chia sẻ khoản tiền lì xì đầu năm cô nhận được hơn 3 triệu đồng.
"Kém may mắn" hơn một chút, Anh Thư (24 tuổi) cho biết trong sáng ngày 7/2, các lãnh đạo ở chi nhánh MSB chi nhánh Hà Nội mừng tuổi theo hình thức rút thăm và cô chỉ rút được tổng cộng 600.000 đồng. Mặc dù vậy, Anh Thư chia sẻ vẫn rất vui khi được lì xì vào ngày đầu tiên đi làm của năm mới, đây là truyền thống của các nhân viên ngân hàng.
"Mặc dù không rút được nhiều tiền mừng tuổi như mọi người nhưng tôi thấy chủ yếu là niềm vui trong ngày xuân năm mới. Ngân hàng MSB cũng đã mừng tuổi nhân viên mỗi người 888.888 đồng vào lúc giao thừa", Thư nói với Zing.
L.T.H.L (23 tuổi), nhân viên chăm sóc khách hàng tại một chi nhánh tại Đống Đa (Hà Nội) của ngân hàng MB cho biết được chi nhánh mừng tuổi 2.022.023 đồng. Đây là con số may mắn trong năm 2022 mà chi nhánh dành để lì xì cho người nhân viên 23 tuổi của mình.
Nhiều nhân viên tại các ngân hàng như Vietcombank, SCB, Nam A Bank... cũng liên tục chia sẻ những phong bao lì xì trong ngày đầu xuân năm mới lên đến hàng triệu đồng.
Nguồn: zing.vn
-
Với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chuỗi hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán năm nay đồng bộ ở các cấp công đoàn gồm 11 nội dung trọng tâm với tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng.
Trong đó, chương trình “Tết Sum vầy” năm 2022 sẽ họp mặt 10.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết. Chương trình “Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng Thành phố” năm 2022 sẽ tổ chức cho 10.000 gia đình đoàn viên công đoàn tiêu biểu ở lại Thành phố đón Xuân Nhâm Dần tham quan, vui chơi giải trí tại Công viên Văn hóa Đầm Sen từ ngày 29/1-13/2.
Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, điểm mới trong công tác chăm lo Tết năm nay của các cấp công đoàn là chăm lo con đoàn viên công đoàn, người lao động bị ảnh hưởng dịch bởi COVID-19; chăm lo nữ đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động mang thai, mới sinh con bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ tổ chức chương trình “Tết cho em”; trao sổ tiết kiệm công đoàn cho trẻ em mồ côi là con đoàn viên công đoàn tử vong do dịch COVID-19.
Đặc biệt, các cấp công đoàn sẽ tổ chức “Phiên chợ Công nhân - Online” và “Ngày hội Công nhân - Phiên chợ Nghĩa tình” Tết Nhâm Dần 2022. Trong đó, Liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op) cùng Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ trao tặng phiếu mua hàng trị giá 400.000 đồng cho 4.000 đoàn viên công đoàn, người lao động gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hình thức mua sắm trực tuyến không dùng tiền mặt.
Đối với công nhân, người lao động về quê dịp Tết, các cấp Công đoàn Thành phố tiếp tục thực hiện chương trình “Tấm vé nghĩa tình” và dự kiến trao tặng 35.000 vé xe, vé tàu, vé máy bay cho đoàn viên công đoàn và người lao động khó khăn nhiều năm không có điều kiện về quê ăn Tết, công nhân lao động tiêu biểu trong lao động sản xuất. Đối với đoàn viên nghiệp đoàn, người lao động ở khu vực phi chính thức, các cấp Công đoàn sẽ tổ chức họp mặt tặng quà Tết cho 1.000 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; thăm chúc Tết các nghiệp đoàn tiêu biểu.
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động Thành phố cùng với Công đoàn cơ sở tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên các chủ nhà trọ hỗ trợ và chăm lo tốt cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thăm doanh nghiệp tiêu biểu, khu lưu trú, chủ nhà trọ và công nhân tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022. Liên đoàn Lao động Thành phố cũng sẽ tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên các đơn vị và chăm lo 600 người lao động khó khăn trong các ngành, lĩnh vực có môi trường làm việc khó khăn như y tế, phòng chống dịch, vệ sinh môi trường, vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã triển khai kế hoạch số 146/KH-TLĐ về tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022. Theo đó, thành phố có hơn 987.800 người lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn sẽ được chi hỗ trợ 300.000 đồng/người với kinh phí khoảng 296 tỷ đồng.
So với năm trước, ông Trần Đoàn Trung cho rằng, chương trình chăm lo Tết của các cấp Công đoàn Thành phố năm nay mở rộng hơn về đối tượng, số lượng, chất lượng và phương thức chăm lo đa dạng ở các lĩnh vực, ngành nghề, nhất là người lao động ở khu vực phi chính thức. Nhiều chương trình thiết thực được các cấp Công đoàn tập trung triển khai, nhất là công tác chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn, mất việc làm do bị ảnh hưởng bởi dịch, các trường hợp bị F0, F1; nữ công nhân lao động, con công nhân lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19…
Năm 2022, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trên các lĩnh vực, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến cuộc sống của đoàn viên công đoàn và người lao động. Do đó, việc chăm lo tốt cho đoàn viên công đoàn, người lao động dịp Tết không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong việc đồng hành cùng đời sống, việc làm của người lao động mà còn tạo sự gắn kết mật thiết giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn, với doanh nghiệp để từ đó tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội, góp cùng Thành phố thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2022.
Nguồn: ngaynay.vn
-
Một trong những giải pháp mà tỉnh Bạc Liêu đưa ra là nắm nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu việc làm để cung cấp thường xuyên qua facebook, zalo... đến từng cơ sở để giúp người lao động chọn việc phù hợp.
Bà Lê Thanh Giang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có hơn 17.700 lao động ngoài tỉnh trở về địa phương, trong đó có trên 6.800 lao động tự do. Lao động về nhiều nhất là từ tỉnh Bình Dương, với hơn 6.200 người, TPHCM hơn 5.400 người…
"Số lao động từ các tỉnh, thành trở về địa phương gây áp lực cả cho công tác phòng chống dịch lẫn vấn đề giải quyết việc làm và an sinh xã hội cho người lao động. Trong khi đó, việc kết nối, hỗ trợ lao động quay lại thị trường lao động chưa kịp thời", bà Giang nêu khó khăn.
Qua rà soát tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tình trạng thiếu hụt lao động diễn ra cục bộ, số lượng không lớn. Số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng mới khoảng 5.200 lao động, chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản và may mặc.
Hiện tỉnh Bạc Liêu có 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Qua rà soát, các doanh nghiệp này hiện không thiếu hụt lao động nhưng có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 950 lao động (chủ yếu trong ngành chế biến thủy sản, may mặc) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng đã ký kết trước đây.
Bà Ngô Thị Bích Diễm, Phó Chủ tịch UBND phường 5, TP Bạc Liêu cho biết, qua rà soát trên địa bàn phường, có công ty thủy sản có nhu cầu cần tuyển dụng hơn 1.000 lao động. Phường đã chủ động giới thiệu việc làm cho một số lao động ở các tỉnh trở về địa phương vào làm việc.
Lãnh đạo UBND phường 5 đề xuất, đối với doanh nghiệp cần có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút người lao động như phương án bố trí chỗ ăn, ở chu đáo để họ yên tâm làm việc. Ngoài ra, cần quan tâm đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho người lao động trong trường hợp biến động lao động.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu Lê Thanh Giang thông tin, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô hoạt động vừa và nhỏ nên nhu cầu lao động và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương còn rất hạn chế.
Qua thống kê chưa đầy đủ, với hơn 17.700 lao động ngoài tỉnh về quê, số người có nhu cầu tìm việc làm trong tỉnh là hơn 3.800 người, ngoài tỉnh hơn 5.000 người.
Một trong những giải pháp phục hồi, phát triển thị trường lao động thời gian tới mà tỉnh Bạc Liêu đưa ra là nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm tại các địa phương, rà soát, nắm nhu cầu tuyển dụng mới của doanh nghiệp để tư vấn, cung ứng, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Cập nhật, cung cấp thường xuyên và kịp thời thông tin thị trường lao động về nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu việc làm… bằng nhiều hình thức như báo, đài, facebook, zalo... đến từng khóm, ấp để người dân tìm hiểu, nắm bắt, giúp người lao động có cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp, đặc biệt là người ngoài tỉnh về.
Nguồn: dantri.com.vn
-
Mức thưởng Tết cao nhất này được ghi nhận ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo báo cáo mới nhất của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM.
Cụ thể, tính đến hết ngày 29/12, đã có 1.012 doanh nghiệp trên địa bàn TP báo cáo tình hình tiền lương năm 2021 và kế hoạch thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022.
Theo đó, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất ở TP.HCM là gần 1,3 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước đó, thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Khối này cũng chi mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất TP, đạt hơn 471 triệu đồng.
Tính bình quân tất cả doanh nghiệp báo cáo, tiền thưởng Tết Nguyên đán 2022 ở mức 8,88 triệu đồng/người, cao hơn 0,8% so với Tết Tân Sửu 2021. Trong khi đó, mức thưởng Tết Dương lịch tăng hơn 20,2%, đạt 4,09 triệu/người.
Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết mức thưởng cao nhất đến từ các doanh nghiệp ngành điện - điện tử, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, hóa mỹ phẩm, tư vấn bất động sản, công nghệ thông tin, kho bãi, chế biến thực phẩm...
"Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn", báo cáo nói thêm.
Hơn 50% doanh nghiệp cho biết gặp khó trong thưởng Tết do tác động của dịch Covid-19. Dù vậy, những doanh nghiệp này cố gắng thưởng Tết theo quy chế thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Do đó, bên cạnh thưởng Tết, các doanh nghiệp có nhiều hình thức hỗ trợ khác cho người lao động như tặng quà, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe. Một số doanh nghiệp cũng có kế hoạch thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.
Tính đến ngày 30/11, TP.HCM có gần 175.000 người lao động, trong đó hơn 56% làm việc tại các doanh nghiệp FDI. So với hồi đầu năm, TP có gần 33.000 lao động mất việc làm, hơn 29.000 thôi việc, hơn 13.000 lượt người tạm hoãn hợp đồng lao động và gần 11.000 lượt người nghỉ việc không lương.
Trong năm 2021, mức lương tháng bình quân ở TP là 11,24 triệu đồng/người, tăng 12% so với năm 2020, trong đó cao nhất là ở khối công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước với 15,62 triệu đồng/người/tháng.
Nguồn: zing.vn
-
Dịch bệnh dần được kiểm soát, các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại cần tuyển dụng lượng lớn lao động để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, để không bị lừa đảo, lao động cần nắm được một số thông tin cần thiết khi xin việc.
Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có tư vấn hữu ích cho lao động, nhất là lao động tự do khi tìm việc dịp cuối năm.
1. Không cung cấp giấy tờ tùy thân cho người lạ khi tìm việc
Theo ông Thành, việc đầu tiên khi đi xin việc là lao động phải chuẩn bị hồ sơ giấy tờ. Tuy nhiên, tuyệt đối không được cung cấp giấy tờ gốc cho bất cứ cá nhân, đơn vị hay tổ chức nào. Giấy tờ nộp hồ sơ chỉ cần là giấy tờ photo, công chứng.
Để không mất thời gian làm nhiều giấy tờ, hồ sơ, có thể photo 1 tập hồ sơ. Sau đó nộp bản hồ sơ photo không cần công chứng cho đơn vị tuyển dụng. Khi trúng tuyển có thể nộp hồ sơ sao có công chứng.
2. Lưu ý các quy định phòng dịch khi đi tuyển dụng
Hiện nay tất cả các đơn vị tuyển dụng, bao gồm cả trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp đều có quy định phòng dịch khá nghiêm ngặt. Người lao động cần tìm hiểu các quy định và có sự chuẩn bị trước. Ví dụ khai báo y tế, hoặc test Covid-19, tiêm đủ 2 mũi vaccine... trước khi qua doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm phỏng vấn trực tiếp. Nếu phải phỏng vấn trực tuyến, nên tuân thủ thời gian, nội dung phỏng vấn. Chuẩn bị thiết bị như máy tính, điện thoại, đường truyền internet ổn định để đảm bảo cho quá trình phỏng vấn được liên tục.
Lao động cần tìm việc có thể liên hệ qua trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố để được tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề và cả các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, với lao động nằm trong khu vực có dịch diễn biến phức tạp có thể tìm việc trực tuyến, trên các nền tảng tư vấn việc làm trực tuyến của các trung tâm, doanh nghiệp.
3. Không nộp phí cho bất kỳ đơn vị tuyển dụng nào khi tìm việc
Trước đây, một số lao động khi đi xin việc thường qua các tổ chức trung gian và phải nộp phí cho các cá nhân tổ chức này. Tuy nhiên điều này bị Luật lao động nghiêm cấm. Lao động xin việc không phải nộp bất cứ khoản lệ phí nào và chỉ phải tự làm hồ sơ, di chuyển tới nơi xin việc.
4. Nộp hồ sơ tìm việc qua kênh uy tín
Lựa chọn trung tâm dịch vụ việc làm uy tín, tìm tới tận công ty, doanh nghiệp để nộp hồ sơ ứng tuyển. Hiện nay các tỉnh thành đều có trung tâm dịch vụ việc làm, với nhiều địa điểm, các kênh giao dịch. Lao động có thể tìm tới các trung tâm này để được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Ngoài ra lao động cũng nên cảnh giác với chiêu trò tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" chỉ cần đóng phí môi giới việc làm. Thực tế rất nhiều lao động đã bị lừa bởi chiêu thức này. Lao động ở quê, muốn ra thành phố tìm việc hoặc tìm việc làm ở các tỉnh, thành khác thì nên liên hệ với các đơn vị việc làm công như trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh thành đó để kiểm tra thông tin về doanh nghiệp tuyển dụng, mức lương, điều kiện… trước khi ứng tuyển.
Mặt khác trong bối cảnh dịch bệnh, việc di chuyển, làm việc ở liên tỉnh thành cũng đảm bảo quy tắc phòng dịch ở cả nơi đi và nơi đến. Có thể liên hệ với công đoàn nơi đến, hoặc trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn cụ thể.
Ông Vũ Quang Thành cho biết thêm, để khôi phục thị trường lao động, hiện nay các trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước đang mở rất nhiều phiên giao dịch để kết nối cung - cầu. Lao động có thể tới các phiên giao dịch này để được tư vấn tìm kiếm việc làm miễn phí phù hợp với khả năng tay nghề.
Cũng theo ông Thành, từ giờ tới cuối năm, nhiều doanh nghiệp, công ty làm dịch vụ vận chuyển, logistic hoặc dịch vụ bán lẻ... có nhu cầu tuyển dụng lớn. Đây là cơ hội để lao động thời vụ, lao động phổ thông không có tay nghề tìm kiếm công việc. Ngoài ra, các lao động kỹ thuật cũng có cơ hội lớn để tìm việc khi mà các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, ứng dụng ngày càng nhiều hơn công nghệ vào sản xuất để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguồn: dantri.com.vn
-